0855.066.247 ext. 2311 
  cenlib@vnuhcm.edu.vn   hotline0396831160 

Thuật ngữ thư viện bao gồm chú thích các thuật ngữ khó hiểu giúp người sử dụng hiểu rõ các thuật ngữ chuyên môn được sử dụng trong thư viện và trên trang web TVTT.

Thuật Ngữ Thư Viện và một số ký hiệu thường dùng Tại TVTT

1.  Ấn bản phẩm (Publications)

Là tài liệu in ấn và điện tử được xuất bản và phổ biến rộng rãi đến người đọc. Ấn phẩm bao gồm nhiều loại tài liệu khác nhau như sách, tạp chí, hình ảnh, và nhiều loại tài liệu khác.

2.  Ấn phẩm định kỳ (Periodicals)

Là tài liệu được xuất bản theo định kỳ như báo, tạp chí, và bản tin. Các loại tài liệu này được xuất bản theo tuần, tháng, quý, năm, v.v.

3.  AV: Audio-Visual (materials): Ký hiệu dùng chỉ Tài liệu Nghe nhìn

4.  Bách khoa toàn thư = Encyclopedias

Bách khoa toàn thư trình bày dưới dạng các bài viết ngắn hiện trạng tri thức của nhân loại về tất cả các lĩnh vực hoặc về một chủ đề nào đó, các chủ đề được biên tập và sắp xếp theo vần chữ cái. Bách khoa toàn thư có thể ở dạng phổ thông, đa ngành hoặc chuyên ngành. Hầu hết các bách khoa toàn thư đều dễ hiểu và dễ tra cứu theo an pha bê.

5.  Bài báo/Bài viết (Articles)

Là một bài luận ngắn hoặc bài báo cáo nghiên cứu về một chủ đề nào đó. Bài báo có thể xuất hiện trong các tạp chí thông thường, tạp chí học thuật, báo, cơ sở dữ liệu toàn văn hoặc các nguồn khác như bách khoa toàn thư.

6.  Bản quyền (Copyright)

Là sự bảo vệ về mặt pháp luật đối với tác phẩm của một tác giả nào đó nhằm bảo vệ tác phẩm không bị sao chép bất hợp pháp, không có bản quyền. Tất cả sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu đều phải nghiêm ngặt tuân theo Luật Bản quyền.

7.  Báo (Newspapers)

Là loại tài liệu xuất bản định kỳ và phục vụ cho tất cả các đối tượng thay vì cho các nhóm học giả chuyên ngành. Ví dụ như báo Phụ nữ, Thời báo Kinh tế Sài gòn, v.v.

 8.  Chủ đề (Subjects)

Chủ đề phản ánh nội dung của tài liệu, giúp bạn đọc có thể tra cứu tài liệu theo các vấn đề được quan tâm. Chủ đề được sử dụng bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Bạn đọc có thể tra cứu theo chủ đề trên trang OPAC hay qua các công cụ tìm tin khác trên Internet và các cơ sở dữ liệu.

 9.  Cơ sở dữ liệu (Databases)

 Là bộ sưu tập các dữ liệu tài liệu chuyên ngành được lưu trữ trên máy tính điện tử theo một cơ chế thống nhất, được quản lý bởi hệ thống các phần mềm gồm các chương trình giúp người sử dụng quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu hiệu quả. Cơ sở dữ liệu còn cung cấp tóm tắt và toàn văn của bài viết. Có các khái niệm khác được dùng như: Cơ sở dữ liệu toàn văn, cơ sở dữ liệu trực tuyến, cơ sở dữ liệu thư mục, cơ sở dữ liệu tạp chí, v.v.

 10.  Dịch vụ tham khảo ( Reference services)

 Là dịch vụ miễn phí của TVTT. Bạn đọc được hướng dẫn sử dụng các dịch vụ về cách tra cứu và tìm tài liệu, giải đáp các thắc mắc liên quan đến thư viện, hỗ trợ kỹ thuật, khi bạn đọc gặp sự cố trong quá trình sử dụng máy tính trong TVTT tại quầy Dịch vụ Tham khảo. Bạn đọc có thể liên hệ cán bộ tại quầy Tham khảo để được tư vấn trực tiếp, gửi email hoặc gọi điện khi có nhu cầu.

 11. DDC = Dewey Decimal Classification

 Hệ thống phân lọai thập phân Dewey là một công cụ dùng để sắp xếp cho có hệ thống các tri thức của nhân loại.

 12.  DIG: Digital (materials): Ký hiệu dùng chỉ Tài liệu số (có bi màu tím trên gáy sách), là bộ sưu tập gồm giáo trình, tài liệu tham khảo ở dạng in ấn được xử lý và chuyển đổi sang dữ liệu được lưu trữ trên máy tính phục vụ sinh viên theo môn học tín chỉ.

 13.  Đạo văn (Plagiarism)

 Là bài viết hay công trình nghiên cứu của người khác bị sao chép và hiển nhiên xem như của mình mà không trích dẫn và ghi rõ nguồn tham khảo. Đạo văn là một hành động vi phạm Luật bản quyền khá nghiêm trọng.

 14.  Facebook & Youtube TVTT

 Là 2 ứng dụng của Web 2.0 được TVTT sử dụng để thông tin về những tin tức mới của TVTT. Bạn đọc có thể thêm TVTT  vào danh sách bạn bè của mình để theo dõi các tin tức mới của TVTTL.

 Facebook: https://www.facebook.com/CentralLibraryVNU/

 15.  FAQs = Frequently Ask Questions

 Các câu hỏi thường gặp tại TVTT.

 16.  Gia hạn tài liệu (Renewing)

 Khi tài liệu đang mượn hết hạn sử dụng, nhưng có nhu cầu tiếp tục sử dụng, bạn đọc được quyền gia hạn thêm thời gian mượn. Có thể gia hạn trực tiếp với cán bộ tại quầy Lưu hành, tầng 1 TVTT hoặc qua mạng: http://opac.vnulib.edu.vn.

17.  Học viên cao học (Postgraduates)

 Là sinh viên đã hoàn thành chương trình Đại học và tiếp tục học Sau đại học hoặc Thạc sĩ.

18.  ISBN = International Standard Book Number

 Là một chỉ số tiêu chuẩn quốc tế mang tính thương mại, được gán cho mỗi quyển sách trong khuôn khổ của một hệ thống thông tin, bao gồm một tập hợp 10 chữ số được chia thành bốn nhóm, cách nhau bằng dấu gạch ngang.

19.  ISSN = International Standard Serial Number

 Là chỉ số tiêu chuẩn quốc tế mang tính chất thương mại, được gán cho các ấn phẩm định kỳ hay tạp chí, bao gồm 8 chữ số được chia thành 2 nhóm, cách nhau bằng dấu gạch ngang.

20.  Kỹ năng thông tin/Kỹ năng tìm kiếm thông tin (Information literacy)

 Là khả năng nhận biết được nhu cầu thông tin của bản thân, cũng như khả năng tìm kiếm, định vị, đánh giá và sử dụng hiệu quả thông tin tìm được (ALA, 1989).

Hướng dẫn sử dụng TVTT, Tìm tin hiệu quả trên Internet, Tra cứu các Cơ sở dữ liệu và nguồn thông tin miễn phí, Hướng dẫn sử dụng Web 2.0 phục vụ học tập & nghiên cứu, Trích dẫn tài liệu và sử dụng phần mềm quản lý tài liệu tham khảo Zotero trong nghiên cứu.

21.  Luận án Thạc sĩ/Tiến sĩ (Thesis/ Dissertations)

Bài nghiên cứu hoàn chỉnh của học viên Cao học và Nghiên cứu sinh

22.  MOL = Monographs for lending: Tài liệu chuyên ngành cho phép mượn về nhà.

23.  MON = Monographs: Tài liệu đọc tham khảo  tại TVTT (tài liệu có bi đỏ - không được mượn về nhà)

24.  Mục lục tài liệu tham khảo (Bibliography)

Là một nhóm các thông tin về tài liệu được trích dẫn và được người viết tham khảo khi nghiên cứu về một chủ đề nào đó. Tất cả thông tin về tài liệu được trích dẫn được tập hợp lại, sắp xếp an-pha-bê theo tên tác giả và đặt ở cuối một bài nghiên cứu, sách, hay một số dạng bài viết khác. Mục lục tài liệu tham khảo rất hữu ích trong việc giúp bạn đọc định vị các nguồn tài liệu theo một chủ đề nào đó.

25.  Nhan đề (Title)

Là tựa đề của một tài liệu.

26.  OPAC

OPAC = Online Public Access Catalogue: Cơ sở dữ liệu thư mục tài liệu trực tuyến: http://opac2.vnulib.edu.vn

27.  Quầy Lưu hành (Circulation desk)

Là nơi bạn đọc liên hệ mượn – trả và gia hạn tài liệu. Ngoài ra, đây là nơi bạn đọc có thể liên hệ làm thẻ TVTT và in tài liệu.

28.  Tóm tắt (Abstract)

Là một công đoạn mô tả nội dung tài liệu được cô đọng bằng một đoạn viết ngắn thể hiện bằng ngôn ngữ tự nhiên.

29.  Toàn văn (Full text)

Bài viết hoàn chỉnh hay toàn bộ nội dung của một bài viết, bài báo cáo nghiên cứu.

30.  Từ khóa (Keyword)

Từ khóa của tài liệu là các cụm từ đủ nghĩa và ổn định, thể hiện những khái niệm quan trọng nhất của nội dung tài liệu. Tập hợp từ khóa của một tài liệu phản ánh đầy đủ và cô đọng những thông tin cơ bản về nội dung tài liệu. Bạn đọc có thể xác định từ khóa quan trọng về nội dung tài liệu cần tìm trước khi thực hiện việc tìm tài liệu phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu của mình.

31.  Từ khóa kiểm soát (Thesaurus)

Là từ khóa kiểm soát theo quy định hay bộ sưu tập các từ đồng nghĩa, các từ quan hệ, các thuật ngữ hẹp, các thuật ngữ rộng mang nghĩa.

32.  Tra cứu (Searching)

Đây là thuật ngữ dùng thay thế cho thuật ngữ Tìm kiếm (thông tin).

33.  Trích dẫn tài liệu (Citation)

Đó là thông tin về tác giả, năm xuất bản, tựa đề, số trang cho một các loại tài liệu được tham khảo trong quá trình viết bài nghiên cứu, như sách, các chương của sách, bài viết từ các tạp chí, website, v.v. Trích dẫn tài liệu còn gọi là tham khảo tài liệu và được sắp xếp thành một bảng liệt kê theo an pha bê ở cuối bài viết hay bài nghiên cứu. Kiểu trích dẫn tham khảo sẽ khác nhau theo lĩnh vực nghiên cứu.

34.  WB: World Bank (materials): Ký hiệu dùng chỉ Tài liệu của Ngân hàng Thế giới